Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Đỗ Phủ
bói ở 𧴤於
đgt. <từ cổ> dịch chữ bốc cư 卜居 (bói chọn đất để ở), tên bài thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên. Tiêu Tử Lương trong bài Hành trạch có câu: “hỏi nhà sườn núi bắc, bói ở ngoài nội tây” (訪宇北山阿,卜居西野外 phỏng vũ bắc sơn a, bốc cư tây dã ngoại). Đỗ Phủ trong bài Ký đề giang ngoại thảo đường có câu: “mê rượu yêu gió trúc, bói ở ắt lâm tuyền” (嗜酒愛風竹,卜居必林泉 thí tửu ái phong trúc, bốc cư tất lâm tuyền). Bói ở lần tìm non Tạ Phó, xin về xưa cổi ấn Ngu Khanh. (Bảo kính 169.3).
chứa 貯
AHV: trữ. Âm THV (Early Sino Vietnamese) [PJ Duong 2013: 143].
đgt. đựng. Nhan Uyên nước chứa, bầu còn nguyệt, Đỗ Phủ thơ nên bút có thần. (Ngôn chí 12.5)‖ Bẻ chứa mây. (Mạn thuật 28.4)‖ (Tự thán 72.8).
dương tràng 羊腸
dt. đường ruột dê, trỏ đường độc đạo nhỏ, dài và ngoằn ngoèo. Đỗ Phủ trong bài Hỉ văn quan quân dĩ lâm tặc cảnh có câu: “Đường ruột dê hiểm hút, mây ngang đuôi trĩ cao.” (路失羊腸險,雲横雉尾高 lộ thất dương tràng hiểm, vân hoành trĩ vĩ cao). Dương tràng đường hiểm khúc co que, quê chợ bao nhiêu khách đẩy xe. (Tự thán 73.1).
gác Đông 閣東
dt. <Nho> dịch chữ đông các 東閣, là một tên gọi của hoa mai. TVG cho rằng “đông các là cái lầu chiêu hiền ở đời Hán. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường khi làm quan ở đông các có làm câu thơ: “Ở Đông Các ngắm hoa mai động thi hứng.” (東閣觀梅動詩興 đông các quan mai động thi hứng) [theo TVG, Schneider cho rằng: “Đây là cơ quan thuộc Hàn Lâm viện, nơi Nguyễn Trãi làm việc”. Tuy nhiên, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí Quan chức chí, dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông không có cơ quan đông các cũng như chức vụ đông các ở trong Hàn Lâm viện, mà phải đến năm 1471 mới có. Như vậy thuyết của TVG là không ổn. Theo Chỉ Nam ngọc âm môn hoa loại có ghi: “Trạng nguyên: hoa quế; đông các: hoa mai”. Có thể hiểu là: “hoa mai thực đã từng làm khách của nhà thơ, chứ đâu chỉ có kết bạn với mỗi mình với tiên Lâm Bô ” [theo PL 2012: 349]. Gác Đông ắt đã từng làm khách, há những bô tiên kết bạn chơi. (Mai thi 224.3). ở đây, rõ ràng nhà thơ đang chơi chữ, bài tả về hoa mai, nên câu nào cũng có điển về mai. Dùng chữ “gác Đông” ấy chính là trỏ đích danh hoa mai, nhưng lại muốn ẩn cái tên đó đi, mà uyển chuyển nói rằng, loài hoa này từng làm khách ở gác Đông, với hàm ý một loài hoa quý được trồng ở những nơi lầu sảnh quan trọng, tức là vừa trỏ cái cốt cách của hoa, cũng là trỏ cái sở dụng của hoa.
khăn Đỗ Phủ 巾杜甫
dt. x. Đỗ Phủ.
lân cận 鄰近
đgt. <từ cổ> gần với, lui tới, khác với nay là một danh từ kiêm tính từ. Đỗ Phủ trong bài Vịnh hoài cổ tích có câu: “đền thờ Vũ Hầu thường lui tới, tất cả vua tôi thảy tế cùng” (武侯祠屋常邻近,一体君臣祭祀同). Lân cận nhà chàu no bữa cốm, bạn bè kẻ trộm phải đau đòn. (Bảo kính 148.3).
lạnh 冷
AHV: lãnh. Ss đối ứng ca (23 thổ ngữ Mường), ʑεt (3), năc (3) [NV Tài 2005: 262]. Như vậy, lạnh - rét gốc Hán, Giá gốc Việt-Mường.
tt. trái với nóng. Chim đến cây cao chim nghĩ đỗ, quạt hay thu lạnh quạt sơ thâu (Trần tình 40.6)‖ (Thuật hứng 46.6, 66.5, 115.4, 120.4)‖ (Bảo kính 139.6, 167.5)‖ (Thuỷ trung nguyệt 212.6).
tt. <Nho>, <từ cổ> trong trẻo một cách cô đơn và lạnh lẽo, nói tắt của thanh lãnh 清冷. Vừa hàm nghĩa là “nhàn quan” vừa hàm nghĩa là vị quan thanh liêm. Ta ắt muốn nhàn quan muốn lạnh, lo thay vì luỵ phải thờ ơ. (Tự thán 108.7). Dịch chữ lãnh hoạn 冷宦. Lô Kỳ 卢琦 trong tống ngô nguyên chẩn có câu: “Quan lạnh chớ than quê nhà thẳm, cố nhân toàn ở sảnh đài cao.” (冷宦莫嗟鄉國遠,故人今在省臺多 lãnh hoạn mạc ta hương quốc viễn, cố nhân kim tại sảnh đài đa). Đỗ Phủ có câu: “các ngài tấp nập thăng đài sảnh, mỗi bác quảng văn chức lãnh quan” (諸公衮衮登台省,廣文先生官獨冷 chư công cổn cổn đăng đài sảnh, quảng văn tiên sinh quan độc lãnh). Cốt lạnh hồn thanh. (Thuật hứng 54.7), ý nói cốt cách thanh tao, tâm hồn trong sáng luôn nghĩ đến việc đạo nghĩa “âu còn nợ chúa cùng cha”.
lựa 路
AHV: lộ. Phiên khác: lọ (ĐDA), nay theo TVG, MQL, PL.
đgt. chọn. “lựa 路: eligere. Chọn lựa 撰路: id.” [Taberd 1838: 280]. Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, tay còn lựa hái cúc Uyên Minh. (Mạn thuật 31.6).
Nhan Uyên 顏淵
dt. <Nho> Nhan Hồi 顏回 (521 - 481 tcn), họ nhan, tên hồi, tự là Tử Uyên 子淵, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông nhan do, người nước Lỗ. Nhan Hồi theo học với đức Khổng Tử, kém Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng. Khổng Tử thường khen rằng: ta có trò hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với ta. Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng. Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi: hiền tai hồi dã! nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, hồi giả, bất cải kỳ lạc! hiền tai hồi dã! (hiền vậy thay Nhan Hồi! một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!) Nhan Hồi mất lúc mới 31 tuổi. Đức Khổng Tử than rằng: - trời hại ta! trời hại ta! đời sau truy tặng Nhan Hồi là uyển quốc công, phối hưởng với Khổng Tử khi cúng tế và được tôn là phục thánh, một trong tứ thánh của nho giáo. Nhan Uyên nước chứa, bầu còn nguyệt, Đỗ Phủ thơ nên bút có thần. (Ngôn chí 12.5)‖ Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.5)‖ Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.7).
rốt 卒
◎ Nôm: 󰭾 / 室 {票 phiêu +巨 cự}, nhầm từ 栗 {栗 lật + 巨 cự}, kiểu tái lập *krot⁵ [TT Dương 2012c]. rốt là từ gốc Hán, với nghĩa là “chết” trong từ chết tốt. Thú vị là với nghĩa này thì AHV đọc là tuất, như tử tuất. Thế nhưng người Việt vẫn quen đọc là tốt. Từ động từ nghĩa là chết, chữ tốt chuyển sang dùng làm phó từ với nghĩa là “sau cuối, cái đoạn cuối cùng”, tiếng Việt gọi là rốt / rút. Như câu 卒能成事 tuất năng thành sự (rốt cục có thể nên việc). Đứng trong dãy 鬚 râu > tu, 瀉 rửa > tả, 胥 rể > tế, thì 卒 rốt > tốt rất có thể là âm THV.
dt. <từ cổ> cuối, đoạn cuối, lưu tích còn trong chữ sau rốt, rốt cuộc . “rốt: ở đàng sau hết, ở sau chót, ở dưới chót. rốt đáy: ở dưới chót, ở dưới đáy. rốt năm: cuối năm, cùng năm.” [Paulus của 1895: 883]. so bốn mùa đâu bằng xuân rốt (hoàng sĩ khải - tứ thời khúc vịnh)‖ rốt đời nhà trần vâng mệnh sang sứ nước bắc (Truyền Kỳ Mạn Lục giải âm - hạng vương từ ký). Còn lưu tích trong các chữ rốt lòng, rốt hết, rốt ráo. Chưng lời đức thánh đời trước noi trời dựng mực rốt chẳng chi lớn hơn việc lễ <tiền thánh kế thiên lập cực chi đạo mạc đại ư lễ 前聖繼天立極之道莫大於禮 (Lễ Ký đại toàn tiết yếu diễn nghĩa - Lễ Ký đại toàn tự: 1a).
p. <từ cổ> cuối cùng. Tuỳ binh thiêu đốt bốn bên, hậu lý rốt bèn khôn biết cậy ai. (Thiên Nam Ngữ Lục, c. 2704) hai mươi tuất rốt, hai mươi mốt nửa đêm: tiếng nói về mặt trăng, ngày hai mươi coi giờ tuất, ngày hai mốt chừng nửa đêm mới mọc” Tai thường phỏng dạng câu ai đọc: “rốt nhân sinh bảy tám mươi”. (Tự thán 76.8)‖ (Bảo kính 138.8). Dịch câu nhân sinh thất thập cổ lai hy 人生七十古來稀 của Đỗ Phủ.
đgt. <từ cổ> dịch chữ cùng 窮 (thực hiện đến cùng, cố cùng, làm cho rốt ráo), lưu tích còn trong từ rốt ráo. Chàu mặc phận, nguôi lòng ước, rốt an bần, ấy cổ lề. (Tự thán 88.6). cùng (窮) nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; rốt (栗) thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi đụt lốc (Trần Nhân Tông - Cư Trần Lạc Đạo Phú 28a2).
thiếu lăng 少陵
dt. hiệu của nhà thơ Đỗ Phủ. Sầu nặng thiếu lăng biên đã bạc, hứng nhiều Bắc Hải chén chưa không. (Thuật hứng 50.3).
Uyên Minh 淵明
dt. Đào Tiềm 陶潜 tự là Uyên Minh lại có tự là Nguyên Lượng 元亮, người Tầm Dương, sài tang (nay ở tây nam huyện cửu giang tỉnh giang tây). Ông sinh vào năm thứ 3 niên hiệu Ai Đế đời Đông Tấn (năm 365), mất năm thứ 4 niên hiệu Nguyên Gia 元嘉 vua Văn Đế đời Tống (năm 427), hưởng thọ 63 tuổi. Sau khi chết thuỵ là Tịnh Tiết Trưng Sĩ 靖節徵士, nên còn gọi là Đào Tịnh Tiết 陶靖節. Sử còn ghi, Uyên Minh thời trẻ không ra làm quan. Khi 29 tuổi mẹ già yếu nhà khó khăn mới ra làm chức Tế tửu; nhưng chẳng chịu nổi quan trường, ít hôm sau lại từ quan. Sau đó bảy tám năm, khi đó ba lăm ba sáu tuổi, ông nhậm chức quan nhỏ trong Châu phủ của Hoàn Huyền - Thứ sử Giang Châu, một hai năm sau ông lấy cớ mẹ mất mà từ quan lần nữa. Năm 40 tuổi, ông lại ra làm Tham quân cho Lưu Dụ, sang năm sau lại chuyển sang làm Tham quân cho Lưu Kính Tuyên. Tháng 8 năm ấy, ông nhậm chức Bành Trạch Lệnh. Tháng 11, nhân đám tang em gái, ông từ chức về quê. Tương truyền ông từng không muốn phải quỵ luỵ đi gặp Đốc Bưu, không chịu “khom lưng trước bọn lý dịch vì dăm đấu gạo”, ông bèn bỏ chức Huyện lệnh. Uyên Minh khi đó 41 tuổi. Từ đó về sau ông không ra làm quan nữa. Trong lòng Uyên Minh lúc nào cũng vang lên tiếng gọi thiết tha từ ruộng vườn: “về đi thôi” (quy khứ lai). Ông là ẩn sĩ, nhà thơ nổi tiếng có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, tay còn lựa hái cúc Uyên Minh. (Mạn thuật 31.6).
xương 腔
◎ Nôm: 昌 Về Từ Nguyên xin xem [TT Dương 2013 c]. Ss đối ứng: sɨəŋ2 (Mường khoi), s:əŋ (Maleng), siaŋ (tum), c?a:ŋ (Khmú), si?iaŋ (mal), kə(n)aŋ (ta-ang, rumai), si?aŋ (paraok) [Diffloth 1992: 132], sa:ŋ11 (Rục) [Ferlus 1991], âm PVM: j?a:ŋ [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Như vậy, ngữ tố này thuộc nhóm từ vựng chung.
dt. xương cốt. Đỗ Phủ trong bài Hựu trình Ngô lang có câu: “Đã tố phu phen kiết trơ xương.” (已訴征求貧到骨 dĩ tố chinh cầu bần đáo cốt). Nguyễn Trãi trong bài Ký hữu có câu “Mười năm đọc sách nghèo đến xương.” (十載讀書貧到骨 thập tải độc thư bần đáo cốt). Càng một ngày càng ngặt đến xương, ắt vì số mệnh, ắt văn chương. (Tự thán 71.1), ngặt đến xương dịch từ cụm 貧到骨.
Đỗ Phủ 杜甫
dt. tức Đỗ Thiếu Lăng (712 - 770) nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Nhan Uyên nước chứa, bầu còn nguyệt, Đỗ Phủ thơ nên bút có thần. (Ngôn chí 12.6), Đỗ Phủ trong bài Phụng tặng vi tả thừa… có câu: “Đọc sách rách muôn quyển, hạ bút như có thần.” (讀書破萬卷,下筆如有神 độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần). Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, tay còn lựa hái cúc Uyên Minh. (Mạn thuật 31.5), Đỗ Phủ có câu: “Mũ nhà Nho làm luỵ nhiều đến thân mình.” (儒冠多誤身 nho quan đa ngộ thân).
đạp 踏
đgt. giẫm, bước, xéo lên. Quét trúc bước qua lòng suối, thưởng mai về đạp bóng trăng. (Ngôn chí 16.4)‖ (Trần tình 41.3)‖ (Thuật hứng 60.6)‖ (Tự thán 77.4). Ss đồng nguyên với đạp (dùng chân đá cho tung ra), như Đỗ Phủ trong bài Mao ốc vị thu phong sở phá có câu: “con bé ngủ ngang đạp rách chăn” (嬌兒惡卧踏裏裂).
đội 戴
◎ Nôm: 隊 AHV: đái. Ss đối ứng toj, doj, tɤj, dɤj (13 thổ ngữ Mường), puəŋ, buəŋ (10 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 216]. Như vậy, “đội” là gốc Hán, “mang” (< bang) [NV Khang 2001: 31] là gốc Việt-Mường. Một số nơi hiện vẫn nói mang mũ, mang áo.
đgt. mang (mũ áo) ở phía trên. Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, tay còn lựa hái cúc Uyên Minh. (Mạn thuật 31.5).
đgt. (bóng) mang ở trên. Lộng lộng trời, tây chút đâu, nào ai chẳng đội ở trên đầu? (Trần tình 40.2).
đgt. chịu, mang (bị động). Dịch chữ đái ân 戴恩 (chịu ơn, đội ơn). (Ngôn chí 15.6)‖ Trong mắt những mừng ơn bậu bạn, trên đầu luống đội đức triều đình. (Tự thán 99.4, 100.3).
cờ 碁 / 棊 / 棋
◎ đọc theo âm THV, AHV: kỳ.
dt. trò chơi phỏng theo trận chiến, có các con tướng, sĩ, tốt... đánh theo luật trên bàn chia ô. (Ngôn chí 2.6, 13.2)‖ Lòng người tựa mặt ai ai khác, Sự thế bằng cờ, bước bước nghèo. (Mạn thuật 32.6), Đỗ Phủ có câu: “nghe nói Trường An tựa đánh cờ, trăm năm thế sự buồn ngất ngơ.” (聞道長安似弈棋,百年世事不勝悲 văn đạo Trường An tự dịch kỳ, bách niên thế sự bất thăng bi)‖ (Trần tình 41.1)‖ bàn cờ tốt đuổi xe. (Trần tình 44.8)‖ (Tự thán 89.5, 90.6)‖ (Bảo kính 154.5).